Lịch sử Đăng_đàn_cung

Khi vua Gia Long lên ngôi, ông đã tổ chức ngay một nghi lễ triều chính cho công việc nhận tước vị này. Có một chuyên gia người Pháp tên là Jean-Baptiste Chaigneau được lệnh nhà vua soạn thảo bản quốc thiều để sử dụng trong các đại lễ của triều đình. Ông đã dựa theo hình thức bản Marche Militaire để dựng lên bản "Đăng đàn cung" quốc thiều nhà Nguyễn.[cần dẫn nguồn]

Từ thời vua Gia Long trở đi, Đăng đàn cung còn được dùng mỗi khi vua du xuân hoặc khi xa giá từ Đại Nội lên đàn Nam Giao.

Sang thế kỷ 20 triều Khải Định, người trưởng ban nhạc trong Đại Nội bấy giờ là ông J. Tịnh (tức bác sĩ Nguyễn Đương Tinh) cho soạn lại Đăng đàn cung theo ký âm pháp của nhạc phương Tây để dễ sử dụng trong quân nhạc của Đại Nội. Theo Nguyễn Khoa Toàn, việc ký âm điệu Đăng đàn cung theo lối Tây phương làm cho bài hát nghe không còn hồn nhạc Việt Nam thuần túy.[cần dẫn nguồn]

Khi vua Bảo Đại hồi loan năm 1932, bản nhạc này đã được sử dụng để nghênh đón, đặc biệt lần này có thêm cả lời. Theo Ngọ báo (số 1521), lời bài hát "Đăng đàn" của ông Nguyễn Trung Phán (Thượng hạng Tú tài, Giáo sư ở Huế) và ông Nguyễn Trung Nghệ (Thị giảng Học sĩ, Giáo sư ở Huế)[1]. Mấy câu mở đầu bài là:

Dậy, dậy, dậy mở mắt xem toàn châuĐèn khai hóa rọi khắp toàn cầuNgọn đường thông thương ngàn dặmXe tàu điện, tàu nước, tàu bay...

Vào năm 1945, khi Trần Trọng Kim lên làm thủ tướng của Đế quốc Việt Nam thì bài Đăng đàn cung vẫn được dùng làm quốc thiều và có dự định đặt lời mới nhưng chưa kịp thì chính phủ bị giải thể.

Kể từ sau thời gian trên thì bài Đăng Đàn Cung chỉ còn xuất hiện trong các đám tế lễ cổ truyền và ngày nay chúng ta còn được nghe mỗi khi có biểu diễn nhã nhạc Cung đình Huế hay trong Festival Huế 2004. Trong cuộc sống đời thường, trẻ em Huế thường hát theo điệu Đăng đàn cung nhưng với lời dân gian khác.